Hiển thị các bài đăng có nhãn Lupus ban đỏ hệ thống. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lupus ban đỏ hệ thống. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Điều trị Lupus ban đỏ hệ thống

ĐẠI CƯƠNG
Lupus ban đỏ hệ thống (gọi tắt là bệnh lupus) là bệnh tự miễn, chưa rõ nguyên nhân, biểu hiện bởi tổn thương nhiều cơ quan và có kháng thể kháng nhân (đặc biệt là kháng thể kháng DsDNA).
Tỷ lệ mắc bệnh ở Mỹ khoảng 1/1000 người dân. Số bệnh nhân lupus phải điều trị nội trú tại Khoa Xương Khớp Bệnh viện Bạch Mai (năm 1991-2000) chiếm 6,59% tổng số bệnh nhân. Tuổi mắc bệnh từ 16-50 tuổi, song có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nữ giới chiếm ưu thế (tỷ lệ 9/1 hoặc 8/1).
Điều trị bệnh lupus hiện nay gồm các thuốc corticoid, thuốc chống sốt rét tổng hợp, thuốc ức chế miễn dịch (cyclophosphamid). Gần đây nhất, các thuốc ức chế tế bào B và các thuốc khác rất hứa hẹn đối với bệnh lupus.
1. Chẩn đoán xác định bệnh lupus
Tiêu chuẩn ACR (American College of Rheumatology) 1997 gồm 11 tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi. Tiêu chuẩn này đạt 96% độ nhậy và 96% độ đặc hiệu).
Tiêu chuẩn
Tần xuất (%)
1. Ban đỏ hình cánh bướm ở mặt
50* (40-64**)
2. Ban đỏ dạng đĩa ở mặt và thân
25* (17-31**)
3. Nhậy cảm với ánh nắng
50* (17-41**)
4. Loét miệng hoặc mũi họng
25* (15-36**)
5. Viêm nhiều khớp không có hình bào mòn trên X quang
88* (86-100**)
6. Viêm thanh mạc
    Màng phổi 

50* (30-60**)
    Màng tim
30* (17-23**)
7. Tổn thương thận.
50*
     Protein niệu > 500mg/24h
>25
hoặc tế bào niệu (có thể là hồng cầu, hemoglobin, trụ hạt, tế bào ống thận hoặc hỗn hợp)
17-48
8. Tổn thương thần kinh -tâm thần đã loại trừ các nguyên nhân khác.
15* (16-20**)
9. Rối loạn về máu

Thiếu máu huyết tán có tăng hồng cầu lưới
15* (14-54**)
 hoặc giảm tổng số bạch cầu < 4.000/mm3
42* (40-47**)
 hoặc giảm lympho bào < 1.500/mm3
10* (>40**)
 hoặc giảm tiểu cầu < 100.000/mm3
10* (11-14**)
10. Rối loạn miễn dịch
Kháng thể kháng Ds-AND

40* (90-100**)
hoặc kháng Sm,
25* (30-40**)
hoặc tìm thấy kháng thể antiphospholipid dựa trên:

có kháng thể anticardiolipin loại IgG hoặc IgM

hoặc có yếu tố chống đông lupus

hoặc test huyết thanh với giang mai dương tính giả kéo dài trên 6 tháng, được xác nhận bằng test cố định xuắn khuẩn hoặc hấp thụ kháng thể xoắn khuẩn bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang
40* (8-20**)
11. Kháng thể kháng nhân
Tỷ giá bất thường của kháng thể kháng nhân được xác định bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang hoặc các thử nghiệm tương đương (với điều kiện không có các thuốc kết hợp có thể gây “lupus do thuốc”).
>99* (100**)
Ghi chú: * theo Velazquez- 2004. ** theo Tan EM-1982
Chẩn đoán xác định khi có ít nhất 4 tiêu chuẩn.
2. Đánh giá mức độ hoạt động của bệnh
Mức độ hoạt động của bệnh được đánh giá bởi các thông số sau:
a. Biểu hiện lâm sàng
-      Tình trạng toàn thân: sốt, suy sụp cơ thể...
-      Tình trạng da, cơ, xương, khớp.
-      Các biểu hiện tổn thương nội tạng: tim, phổi, thận, thần kinh, tâm thần...
-      Lưu ý các biểu hiện không mong muốn của thuốc.
b. Xét nghiệm
-      Chức năng thận, gan.
-      Công thức máu, số lượng tiểu cầu.
-      Siêu âm tim, điện tim đồ.
-      Kháng thể kháng nhân, nồng độ bổ thể, yếu tố tiếp nhận IL2 (kháng thể kháng nhân tăng, bổ thể giảm tức là bệnh tiến triển).
II. ĐIỀU TRỊ BỆNH LUPUS
-      Lupus là một bệnh mạn tính, xen kẽ giữa các đợt tiến triển là thời kỳ lui bệnh (rất hiếm trường hợp lui bệnh hoàn toàn). Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các thuốc điều trị bao gồm các thuốc sau:
-      Thuốc chống viêm không steroid: có thể chỉ định mọi thuốc trong nhóm này trừ Ibuprofen.
-      Corticoid: liều tuỳ mức độ nặng nhẹ của bệnh, cho phép cải thiện tiên lượng của bệnh một cách đáng kể.
-       Các thuốc chống sốt rét tổng hợp: được chỉ định với các tổn thương nhẹ.
-      Các thuốc ức chế miễn dịch (được coi như thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm -DMARD's): cyclophosphamid, azathioprin, methotrexat, mycophenolat mofetil. Một số các thuốc chưa được sử dụng ở Việt nam: ức chế dòng tế bào B (Rituximab)
Cũng cần phải cân nhắc đánh giá được những tác dụng không mong muốn của các thuốc này (tăng huyết áp, nhiễm khuẩn, loãng xương...).
Quá trình điều trị có thể chia làấchi phần: phòng các đợt tiến triển và điều trị các đợt tiến triển.
1. Các nguyên tắc phòng các đợt tiến triển
1.1. Các biện pháp phòng đợt tiến triển
-      Tránh ánh nắng trực tiếp, cần thiết có thể dùng kem tránh nắng.
-      Cẩn thận khi dùng các loại thuốc dễ gây mẫn cảm, nhất là kháng sinh.
-      Đề phòng nhiễm khuẩn (bệnh nhân lupus có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, đặc biệt bệnh nhân có suy thận, loét da, bất thường về van tim, thiếu hụt bổ thể, cắt lách, dùng liều cao corticoid, thuốc ức chế miễn dịch...).
-      Duy trì cân nặng lý tưởng, thể dục nhẹ, không hút thuốc lá, thực hiện chế độ ăn mỡ và cholesterol thấp.
-      Phòng xơ vữa động mạch: do bệnh nhân mắc bệnh lupus có nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch cao, nên cần kiểm tra các yếu tố nguy cơ (huyết áp, mỡ máu, đường máu, homocysteine), kiểm tra siêu âm động mạch cảnh. Nếu có cao huyết áp, nên chỉ định thuốc ức chế men chuyển do có tác dụng giảm xơ hóa thận. Bổ sung vitamin B có thể giảm homocystein.
-      Kiểm soát thai nghén: bệnh nặng lên với mẹ và nguy cơ sảy thai cao, nên phải chú ý kiểm soát bệnh ở bệnh nhân có thai, thận trọng khi dùng thuốc.
-      Giáo dục bệnh nhân hiểu biết về bệnh tật của mình, nâng đỡ bệnh nhân về tinh thần để có thể đương đầu với một bệnh mạn tính.
2. Điều trị thuốc
2.1. Thuốc chống viêm không steroid
-      Chỉ định: đau khớp, viêm khớp, sốt, viêm thanh mạc.
-      Các tác dụng không mong muốn của thuốc (đặc biệt với thận và thần kinh) có thể làm nhầm lẫn với triệu chứng của lupus đang hoạt động. Các thuốc chống viêm không steroid ức chế tổng hợp prostaglandin, trong khi ở bệnh nhân lupus ban đỏ có sự suy giảm của dòng máu qua thận và chức năng ống thận. Trong một số trường hợp thuốc chống viêm không steroid có thể gây bệnh cầu thận màng, viêm thận gian bào cấp, hoặc hoại tử ống thận cấp. Tuy nhiên những tổn thương thận do thuốc chống viêm không steroid thường nhẹ và có thể hồi phục khi ngừng thuốc.
Các thuốc chống viêm không steroid cũng có thể gây ra đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, trầm cảm dễ nhầm với những triệu chứng do lupus ban đỏ. Hội chứng viêm màng não vô khuẩn gây ra do nhiều loại thuốc chống viêm không steroid, đặc biệt do Ibuprofen, với triệu chứng lâm sàng là đau đầu, phản ứng màng não và sốt; dịch não tuỷ có tăng bạch cầu lympho, tăng protein và nuôi cấy vô khuẩn. Ngừng thuốc thì các biểu hiện trên sẽ biến mất nhanh chóng.
2.2. Corticosteroid
-      Đường dùng
Đa số dùng đường uống. Đường tiêm được chỉ định trong những trường hợp nặng, cấp. Đường tại chỗ được chỉ định đối với tổn thương da (bôi tại chỗ hoặc tiêm trong da).
-      Chỉ định
Khi các thuốc chống viêm không steroid và thuốc chống sốt rét tổng hợp không có hiệu quả. Nhìn chung corticoid làm giảm nhanh và hầu như giải quyết được hầu hết các triệu chứng của bệnh.
-      Cách dùng
+      Liều trung bình: 20mg/ngày (0,5mg/kg/24h), uống 1 lần duy nhất vào buổi sáng. Chỉ định với viêm khớp, viêm thanh mạc, sốt cao, viêm thận nhẹ.
+      Liều cao: 1mg/kg/24h uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Chỉ định viêm mao mạch, viêm phổi, viêm thận nặng, giảm tiểu cầu nặng, thiếu máu huyết tán nặng, viêm tim. Với liều 1mg/kg/24h, rất ít khi dùng đường uống. Nếu không đáp ứng, có thể phải tăng liều hoặc chia liều 2-3 lần trong ngày. Thời gian dùng liều trên 0,5mg/kg/ngày không được vượt quá 4 tuần. Nếu không đạt hiệu quả hoặc xuất hiện những tác dụng phụ nặng, cần thay đổi phương pháp khác.
+      Bolus corticoid: truyền tĩnh mạch 750 mg-1.000.000 mg methyl-prednisolon pha trong 250-500 ml dung dịch muối hoặc glucose đẳng trương trong 2 -3 giờ. Dùng một liều duy nhất hoặc một lần/ngày trong 3-5 ngày liên tiếp, tuỳ mức độ nặng nhẹ của bệnh. Nếu trường hợp bệnh ở mức độ nặng vừa phải, có thể dùng minibolus: liều methyl-prednisolon có thể chỉ là 250- 500 mg mỗi lần truyền.
Khi bệnh đã được kiểm soát, cần giảm liều corticoid một cách thận trọng đủ để khống chế các dấu hiệu tăng hoạt động của bệnh, tránh giảm quá nhanh hoặc quá chậm, sau đó chuyển dùng một liều duy nhất vào buổi sáng.
Trường hợp đạt được sự lui bệnh kéo dài, giảm liều corticoid và có thể ngừng corticoid, duy trì liều thấp nhất có thể. Trường hợp không cắt được corticoid, có thể duy trì liều dưới 10mg/24h, uống một lần vào buổi sáng. Liều này hầu như không gây ức chế trục tuyến yên-dưới đồi.
Cần có biện pháp đề phòng các tác dụng không mong muốn của trị liệu corticoid kéo dài (tăng huyết áp, tăng đường huyết, giảm khả năng chống nhiễm khuẩn, giảm kali máu, loãng xương...). Điều trị dự phòng loãng xương bằng ostrogen thay thế ở bệnh nhân lupus ban đỏ có thể làm cho bệnh tăng lên trong một số trường hợp.
2.3. Thuốc chống sốt rét tổng hợp
Hydroxychloroquin, Chloroquin, Quinacrin.
Chỉ định: các tổn thương da (ban, rụng tóc, nhậy cảm với ánh nắng), viêm khớp, mệt mỏi.
Liều: 0,2-0,4 g/ ngày (sau ăn)
Thận trọng: trường hợp có suy giảm G6PD (glucose-6 phosphate dehydrogenase) hoặc có tổn thương gan.
Nếu không đáp ứng: thay thế loại thuốc khác
Ngừng thuốc: nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc chống sốt rét tổng hợp thì việc ngừng thuốc ở giai đoạn bệnh ổn định có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh bao gồm những triệu chứng chính như viêm mạch, viêm màng não tuỷ thoáng qua và bệnh thận lupus.
Chống chỉ định: bệnh nhân có thai do thuốc gây những thiếu hụt bẩm sinh như hở hàm ếch, tổn thương thần kinh thính giác và thiếu hụt cột sau... Tuy nhiên, một nghiên cứu trên 133 bệnh nhân lupus có tổn thương da có thai được điều trị hydroxychloroquin năm 2005 cho thấy thuốc này không gây u quái và không gây độc đối với người mẹ, và vẫn có thể cho con bú.
-      Các tác dụng không mong muốn
Các triệu chứng dạ dày, ruột, sạm da, khô da. Nhiễm độc thần kinh trung ương: đau đầu, những thay đổi về cảm xúc, tâm thần: nên ngừng thuốc. Điều trị kéo dài có thể gây bệnh thần kinh cơ: giảm trương lực cơ và phản xạ cơ từng đợt. Mắt: viêm mô lưới ở võng mạc mắt không hồi phục, gây mù. Tuy nhiên với liều thấp thì tỷ lệ tai biến này không đáng kể, song cần kiểm tra thị lực, thị trường, soi đáy mắt mỗi 6 tháng.
2.4. Các thuốc ức chế miễn dịch
2.4.1. Cyclophosphamid (Endoxan): thuộc nhóm các thuốc độc tế bào (cytotoxic therapy) hay còn gọi là nhóm alkylating agens.
-      Chỉ định: các thể viêm thận nặng hoặc một số biểu hiện khác của bệnh như tổn thương thần kinh tâm thần hoặc viêm phổi kẽ không đáp ứng với corticoid. Kết hợp với corticoid (liều tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của bệnh từ 1- 0,5 mg/kg/ngày).
-      Cách dùng: đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
+      Đường uống: dùng liều 1-2mg/kg/ngày, liên tục đến khi bệnh được kiểm soát thì giảm liều rồi ngừng.
+      Đường tĩnh mạch (bolus): tiêm tĩnh mạch mỗi 4 tuần 10-15mg/kg hoặc 0,5-1g (tính liều trung bình 750mg/m2 cơ thể) - pha trong 300 ml dung dịch sinh lý- tốc độ truyền 200 ml/giờ- truyền 1 lần (khoảng 1000mg/ngày với người có trọng lượng 50kg). Phương pháp truyền tĩnh mạch có tác dụng tốt đối với các triệu chứng thận, phổi, máu, thần kinh trung ương, mạch.
-      Tác dụng: làm chậm quá trình xơ hóa ở thận, ngăn ngừa mất chức năng thận, giảm nguy cơ suy thận giai đoạn cuối.
-      Thận trọng: suy thận, do thuốc đào thải qua thận.
-      Tác dụng phụ: viêm bàng quang chảy máu, xơ bàng quang, ung thư bàng quang, giảm bạch cầu, suy buồng trứng, vô tinh trùng nếu điều trị kéo dài.
-      Dự phòng hoặc điều trị viêm bàng quang chảy máu do cyclophosphamid.
+      Truyền thêm 2- 3 lít dung dịch sinh lý trong ngày truyền bolus cyclo-phosphamid tĩnh mạch và 2 ngày tiếp theo nhằm giảm tác dụng phụ trên bàng quang.
+      Mesna (Sodium 2-mercaptoethan sulffonat): dùng liều tương đương với liều cyclophosphamid. Nếu dùng bolus cyclophosphamid, trong trường hợp dùng bolus Mesna hoặc uống Mesna  nếu dùng cyclophosphamid đường uống.
-      Theo dõi khi dùng cyclophosphamid: Xét nghiệm công thức máu và điều chỉnh liều dựa vào số lượng bạch cầu, tiểu cầu, hematocrit và kiểm tra nước tiểu, soi bàng quang để tìm những thay đổi ác tính trong quá trình điều trị (mỗi tháng/lần) với đường uống hoặc sau 1 tuần với đường truyền bolus.
-      Thời gian điều trị cyclophosphamid: 2 năm dùng đường uống hoặc 06 tháng đường tĩnh mạch, sau đó có thể duy trì bằng azathioprin hoặc mycophenolate mofetil.
2.4.2. Azathioprin (ImuranÒ)
-      Cơ chế: ức chế tổng hợp purin.
-       Chỉ định: lupus có tổn thương thận, da, phổi, giảm tiểu cầu và thiếu máu huyết tán.
-      Liều: 1-2 mg/kg/ngày.
-      Chống chỉ định: phụ nữ cho con bú, tổn thương thận hoặc gan, cơ địa giảm miễn dịch.
-      Phụ nữ có thai vẫn có thể dùng liều thấp. Một số nghiên cứu năm 2001 cho thấy thuốc không có nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ ung thư ở bệnh nhân lupus.
2.4.3. Mycophenolat mofetil (CellCept)
Tương tự như cyclosporin, ban đầu thuốc được dùng trong chống thải ghép.. Sau được sử dụng như một thuốc DMARD's đối với các bệnh có rối loạn tự miễn.
Cơ chế: mycophenolat mofetil ức chế chọn lọc trên sự tăng sinh của tế bào T và B mà không gây độc tuỷ xương, ức chế tạo kháng thể.
-      Chỉ định: lupus ban đỏ hệ thống (tổn thương thận - kể cả viêm cầu thận màng tăng sinh và ngoài thận).
-      Liều: lupus ban đỏ hệ thống: khởi đầu 1,5- 2 gam/ngày (kết hợp với corticoid) trong 3- 6 tháng, sau đó 1 gam/ngày trong 3- 6 tháng tiếp. Giai đoạn ổn định có thể duy trì liều 0,5-3 gam/ngày trong 1-3 năm.
-      Tác dụng phụ: thuốc được dung nạp khá tốt. Đa số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa: nôn, buồn nôn, ỉa chảy, đau bụng. Có thể gây rối loạn enzym gan, do đó cần theo dõi enzym gan một tháng sau điều trị và mỗi 3-4 tháng sau đó.
2.4.4. Methotrexat
Một số nghiên cứu gần đây (năm 2002-2005) cho thấy methotrexat cũng có hiệu quả trong điều trị lupus.
+      Cơ chế: methotrexat là một chất kháng chuyển hóa, ức chế sinh tổng hợp ADN. Do có cấu trúc tương tự acid folic, cơ chế chính của thuốc là tranh chấp với vị trí hoạt động của acid folic trong quá trình tổng hợp pyrimidin, dẫn đến giảm tổng hợp ADN. Ngoài ra, methotrexat còn có tính chất chống viêm và ức chế miễn dịch.
+      Chỉ định: tổn thương khớp, đã kháng với thuốc chống sốt rét tổng hợp; viêm thanh mạc, viêm cơ, tổn thương thận.
+      Liều: 7,5- 20 mg/tuần.
2.4.5. Globulin miễn dịch
-      Chỉ định: giảm tiểu cầu lupus, thiếu máu huyết tán, xơ tuỷ xương, viêm thanh mạc, hội chứng thần kinh trung ương. Nói chung thường chỉ định khi không đáp ứng với các trị liệu khác.
2.4.6. Các thuốc trong tương lai
Các nghiên cứu về thuốc ức chế tế bào B (B-cell depletion): Rituximab (Rituxan), ghép tế bào nguồn đang được nghiên cứu ở các nước tiên tiến, có nhiều hứa hẹn trong điều trị bệnh lupus.
3. Điều trị cụ thể bệnh lupus ban đỏ
3.1. Điều trị theo thể
-      Thể nhẹ và vừa (không có tổn thương các nội tạng đe dọa đến tính mạng)
+      Chống viêm không steroid và chống sốt rét tổng hợp.
+      Hoặc methotrexate và thuốc chống sốt rét tổng hợp
+      Nếu không đáp ứng, có thể thêm corticoid liều thấp (10-20 mg/24h), ngắn ngày.
-      Thể nặng (có tổn thương các tạng quan trọng, thường là các thận)
-      Corticoid liều cao: 1-2 mg/kg/24 h. Kết hợp với thuốc chống sốt rét tổng hợp; hoặc kết hợp với Azathioprin 1,5-2,5 mg/kg/24h, hoặc với methotrexat.
Trường hợp bệnh nhân bị đe dọa tính mạng hoặc có xu hướng tăng tổn thương các cơ quan nội tạng: liều cao corticoid phối hợp với bolus cyclophosphamid truyền tĩnh mạch hoặc mycophenolate mofetil. Giảm liều corticoid nếu có thể.
-      Nếu không đỡ chỉ định các biện pháp điều trị khác (lọc huyết tương, cyclosporin A...).
3.2. Điều trị kết hợp và một số tình huống đặc biệt
-      Loãng xương do dùng corticoid: các bệnh nhân lupus thường dùng corticoid liều cao kéo dài nên hay có biến chứng loãng xương, đặc biệt là trên bệnh nhân nữ có tuổi. Có thể làm giảm tác dụng này bằng cách cho calci hàng ngày (1g/ngày) và vitamin D 800 UI/ ngày, trừ trường hợp sỏi thận. Cần theo dõi calci máu và calci niệu để tránh biến chứng sỏi thận. Nên theo dõi mật độ xương, khi có loãng xương, nên chỉ định thuốc biphosphonat (trừ khi có thai).
-      Hoại tử vô khuẩn đầu trên xương đùi: gặp ở các bệnh nhân lupus, đặc biệt trên bệnh nhân có viêm mao mạch và/hoặc hội chứng Raynaud và dùng corticoid kéo dài. Phát hiện sớm sẽ làm giảm nguy cơ phải phẫu thuật chỉnh hình. Tuy nhiên, ở Việt Nam ít gặp biến chứng này.
-      Các bệnh cơ do corticoid: cũng thường gặp. Có thể phòng ngừa với các bài luyện tập cơ ở chi. Tránh các chế phẩm corticoid chứa fluo cũng ngừa được biến chứng này.
-      Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống khi phải phẫu thuật: nếu bệnh nhân đang dùng corticoid trước đó, thì liều thuốc corticoid vẫn phải được duy trì trong lúc phẫu thuật. Cần dùng đường tĩnh mạch trong lúc gây mê và tiếp tục duy trì trong khi mổ với liều 200-300 mg hydrocortison hoặc 50-60 mg methylprednisolon. Sau vài ngày, khi đã dùng được đường uống, có thể quay lại liều trước khi mổ mà không cần phải giữ liều cao.
-      Lupus và thai nghén: thai nghén làm nặng thêm bệnh lupus (đặc biệt là nặng thêm tổn thương thận) và dễ gây sảy thai, đẻ non, thai chết lưu. Vì vậy chỉ khuyên một phụ nữ mắc bệnh lupus được phép có thai trong các điều kiện sau: phải không có các dấu hiệu tiến triển bệnh về lâm sàng và cận lâm sàng trong 6 tháng liền trước đó. Tốt nhất phải sinh thiết thận. Nếu có viêm cầu thận màng tăng sinh thì không nên có thai. Nếu bệnh nhân có các kháng thể đặc biệt như kháng thể kháng đông lưu hành thì có nhiều nguy cơ sảy thai. Trường hợp có kháng thể anti-SSA thì có nguy cơ bloc nhĩ thất bẩm sinh ở bào thai.
Trong khi có thai, bệnh nhân phải được theo dõi như trường hợp thai nghén có nhiều nguy cơ. Nếu bệnh nhân đang dùng corticoid phải theo dõi điều trị và thường phải tăng liều trong thời gian thai nghén. Nếu bệnh nhân không dùng corticoid thì trong 3 tháng cuối phải cho corticoid liều 0,5 mg/kg/24h. Trong trường hợp sảy thai hay nạo thai cũng phải cho liều này. Sau đẻ không nên giảm liều corticoid trong vài tháng và không nên cho con bú.
Vấn đề tránh thai: không nên dùng dụng cụ tử cung vì có nguy cơ nhiễm khuẩn. Nên dùng thuốc tránh thai liều cực thấp. Chống chỉ định dùng thuốc tránh thai trong trường hợp tiền sử có huyết khối, kháng thể chống đông lưu hành hoặc phản ứng BW dương tính giả.
Ngoài ra tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà phải điều trị các thuốc chống đông, hạ áp, an thần kinh... Nếu bệnh nhân có viêm thận giai đoạn cuối, cần có kế hoạch chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
VII. TIÊN LƯỢNG
-      Những yếu tố làm tiên lượng xấu đi (gần 50% chết trong vòng 10 năm) qua kết quả của nhiều nghiên cứu là: creatinin huyết thanh > 1,4 mg/dl, tăng huyết áp, tổn thương thận (protein > 2,6g/24h), thiếu máu, giảm albumin huyết và giảm bổ thể, khả năng kinh tế-xã hội kém.
-      Một số yếu tố làm nặng thêm tiên lượng: giảm tiểu cầu, thương tổn thần kinh trung ương nặng, có mặt của kháng thể chống phospholipid.
-      Bệnh thường diễn biến với các đợt tiến triển trên nền mạn tính. Tuy nhiên, khoảng 20% số bệnh nhân có thời gian lui bệnh (trung bình 5 năm), một số trường hợp có thời gian lui bệnh kéo dài hàng chục năm và hình như sự lui bệnh tăng lên với mỗi thập niên sau chẩn đoán.
-      Nguyên nhân tử vong: nhiễm khuẩn, suy thận thường là nguyên nhân tử vong trong thập niên đầu của bệnh. Tắc mạch thường là nguyên nhân chết trong thập niên thứ hai.
Tóm tắt phác đồ điều trị lupus
1.        Các biện pháp tránh khởi phát đợt cấp, quản lý thai nghén
2.        Thuốc chống viêm không steroid: đối với tổn thương khớp
3.        Corticoid kéo dài, giảm liều chậm
4.        Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm -DMARD's
-      Chloroquin đơn độc hoặc kết hợp với methotrexate
-      Cyclophosphamid: chỉ định trong tổn thương thận, viêm phổi kẽ, thần kinh, tâm thần do lupus.