Sỏi thận không chỉ khiến người bệnh phải chịu đựng những cơn đau buốt vùng bụng dưới, đau lưng mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng như suy thận, vỡ thận...nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Để xem đó là các biến chứng nào, chúng ta hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.
1. Sỏi thận dẫn đến bế tắc
Sỏi nằm trong đường tiểu có thể rơi vào trong niệu quản hay niệu đạo gây bế tắc vùng này. Khi đó, để tránh việc bị tắc nghẽn, hệ niệu sẽ tăng cường co bóp để tống khứ hòn sỏi ra và điều này cũng kèm theo những cơn đau, người bệnh bí khó tiểu tiện. Bên cạnh đó, thận hoặc niệu quản sẽ bị ứ nước do hòn sỏi làm tắc nghẽn. Nếu thời gian hòn sỏi này lưu lại và gây tắc quá lâu sẽ khiến thận khó hồi phục.
2. Nhiễm trùng thận
Sỏi thận khiến hòn sỏi nằm lâu trong hệ niệu dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn và vi trùng phát triển, từ đó gây nhiễm trùng. Nếu nhẹ thì người bệnh chỉ thấy đau lưng hay tiểu gắt còn nhiễm trùng nặng sẽ kèm theo các triệu chứng sốt cao, tiểu ra mủ. Nếu nhiểm trùng cộng với tình trạng đường tiểu bị tắc thì có thể khiến thận bị ứ mủ, hóa mủ, việc điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn hơn rất nhiều. Thậm chí, nhiều trường hợp phải cắt bỏ thận tránh tái phát.
3. Sỏi thận gây suy thận cấp và mạn tính
Nếu cả hai quả thận cùng gặp tình trạng bế tắc khiến người bệnh bí tiểu dài ngày, không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khi bị sỏi thận, các viên sỏi gây ra tình trạng nhiễm trùng, bế tắc gây ứ nước ở thận lâu ngày khiến thận bị hủy hoại và hoạt động yếu dần. Lúc này, việc phải áp dụng các phương pháp chạy thận, ghép thận mới mong duy trì được tính mạng.
4. Thận bị vỡ
Thận bị ứ nước sẽ phình to ra, vách thận trở nên mỏng và dễ bị ảnh hưởng hoặc vỡ ra nếu gặp phải những chấn thương dù là nhẹ nhất.
Sỏi thận là căn bệnh không nên xem thường vì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, người bệnh sỏi thận cần phải có phương pháp chữa trị sớm khi phát hiện mình mắc bệnh này. Ngoài ra, việc áp dụng một chế độ ăn uống khoa học sao cho bệnh không tái phát cũng là vấn đề cần được quan tâm.